Mức hỗ trợ học nghề nào đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ được tăng từ ngày 15/5/2021.

 

 

Quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN trước ngày 15/5/2021

Căn cứ điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, người lao động tham gia BHTN đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hưởng mức hỗ trợ học nghề như sau:

- Tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

- Tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn 1 triệu đồng/người/tháng thì phần vượt quá do người lao động tự chi trả.

Lưu ý, trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 1 tháng.

Quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN từ ngày 15/5/2021

Căn cứ điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, 3 đối tượng áp dụng gồm:

- Người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (người lao động).

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (cơ sở đào tạo nghề nghiệp).

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về mức hỗ trợ học nghề, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng (quy định cũ tại Quyết định 77/2014/QĐ-TTg là tối đa 1 triệu đồng/người/tháng).

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày 15/5/2021 nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định 17/2021/QĐ-TTg này.

Điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề

Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm năm 2013, người lao động tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

- Đã nộp hồ sơ hưởng BHTN tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

- Đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Đã Xem: 2362

Bài Viết Mới Nhất